Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2009

AM NHAC VA CAM NHAN

Cùng Nguyên Vũ lang thang với "Thành phố buồn"

Hôm đó trời làm mưa làm gió, và lần đầu tiên tôi biết đến anh qua tiếng guitar bập bùng của cậu bạn chung lớp.

Tình yêu thầm kín ám ảnh tôi từ ngày ấy. Nhiều năm qua, cái tên anh dần phai mờ trong tôi và có lẽ trong cả đám bạn cùng thời từng mê mệt anh như tôi vì nhiều lẽ. Riêng “Tình yêu thầm kín” thì vẫn được chúng tôi xếp ngăn nắp ở một góc kí ức – để mỗi năm gặp nhau cậu bạn xưa lại lôi ra hát đến mềm môi.
Cuộc sống có quá nhiều đổi thay khiến thói quen trở về phố núi đôi ba lần trong năm của tôi trở thành ước mơ xa xỉ. Nên tôi đã… bật khóc trong đêm “Dạ vũ” khi gặp lại anh. Vài người ngạc nhiên trước sự xúc động thái quá, chỉ mình tôi hiểu căn nguyên của những giọt nước mắt đó. Vì anh đã cho tôi quá nhiều thứ. Xưa – trong cái thời nhiều hoa nhiều mộng anh cho tôi kỷ niệm đẹp cùng chúng bạn. Nay – trong cái bon chen tấp nập của thị thành, anh đưa tôi trở về với Thành phố buồn – nơi chôn dấu bao kỷ niệm của thời chập chững bước vào vườn yêu:
“Thành phố nào nhớ không em
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm
Thành phố nào vừa đi đã mỏi
Đường quanh co quyện gốc thông già
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn”
Vẫn là chất giọng trầm trầm, giản dị đã hút hồn chúng tôi từ nhiều năm về trước. Chỉ có điều cách thể hiện của anh khiến tôi cảm thấy bất ngờ. Tôi đã quá quen thuộc và thích thú với một Thành phố buồn đến thê lương của Chế Linh hay một thành phố hoang vu trong tiếng ngân dài của Trường Vũ. Đó là lí do tôi thường cảm thấy khó chịu khi nghe thiên hạ ầm ĩ khen ngợi giọng ca cách tân của họ Đ. rằng “mới quá” và “sang trọng quá”.
Với tôi, Thành phố buồn không cần “mới” và “sang” đến mức phải gào thét như vậy. “Thành phố buồn” chỉ cần mộc mạc, gần gũi và pha chút lãng đãng như tự thân nó vốn thế:
“Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa
Người lưa thưa chìm dưới sương mù
Quỳ bên nhau trong góc giáo đường
Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu thương
Chúa thương mình sẽ cho mình mãi mãi gần nhau”
Mà có lẽ, nét nhạc của Lam Phương cũng cần nhất là cái đó. Bình dị, chân thành nhưng không nhàm chán. Thế nên anh đã làm rất tốt khi đưa người nghe lên đến đỉnh điểm:
“Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa
Rồi từ đó chốn phong ba, em làm dâu nhà người”
Và khi đã đạt đến cao trào rồi thì không cần gào thét, không cần rên rỉ người nghe vẫn cảm thấy xót xa khi bắt gặp cảnh:
“Âm thầm anh tiếc thương đời
Đau buồn em khóc chia phôi
Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui”
Lời kể của anh cứ hoang mang, vời vợi:
“Thành phố buồn lắm tơ vương
Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn
Và con đường ngày xưa lá đổ
Giờ không em sỏi đá u buồn
Giờ không em hoang vắng phố phường”
Câu ca rất lành lặn nhưng anh vẫn chẳng thể khỏa lấp được một tâm hồn đang phải vá víu lẫn trong “tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương”.
Nhiều năm qua đi, cũng đã có lúc tôi nghĩ mình đã “quên hết rồi, quên cả tình yêu” với anh thì giờ tình cờ gặp lại anh, lang thang trong Thành phố buồn cùng anh. Tôi ngạc nhiên vì những gì anh làm cho Thành phố buồn. Nó đủ sức đánh bật những lời thị phi mà tôi nghe người ta bàn tán về anh trong thời gian qua. Tôi tin anh đã và sẽ còn làm được nhiều thứ trong dòng nhạc anh đang thể nghiệm này. Thốt nhiên tôi lẩm nhẩm: “Một mai anh nhé có nghe thu về trên hàng lá khô…” - Ừ! "Một mai” thôi Nguyên Vũ nhé, tôi và chúng bạn sẽ lại bước vào Thành phố buồn của anh để lắng nghe Tình yêu thầm kín nơi con tim mình đang thổn thức…!

Nhấp vào địa chỉ dưới để nghe bài hát Thành phố buồn:

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=DsaK3zCtQy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét